Với mẹ bầu mang thai 3 tháng cuối việc tìm hiểu về bệnh viện dự định sinh con là điều rất cần thiết. Đặc biệt không ít chị em băn khoăn về việc đi làm hồ sơ sinh cần chuẩn bị những gì?>> illumina
Một số điều mẹ bầu nên biết khi đi làm hồ sơ sinh
1. Bà bầu có cần làm hồ sơ sinh trước khi chuyển dạ nhập viện?
Câu trả lời là mẹ bầu nên làm thủ tục hồ sơ trước sinh vì những lý do dưới đây:
- Thứ nhất: Nhiều mẹ bầu chủ quan cho rằng, khi nhập viện sinh con thì mình có thể vào bất cứ bệnh viện nào để cấp cứu chuyển dạ, do vậy không cần thiết làm hồ sơ trước sinh. Nhưng trên thực tế, nếu bạn chưa từng thăm khám thai, chưa có hồ sơ sinh dù bạn sinh cấp cứu vẫn có khả năng bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân và chuyển viện do không có thông tin theo dõi thai kỳ của sản phụ để đảm bảo an toàn cho ca sinh.
- Thứ hai: Nếu ca sinh của bạn chưa đến mức nguy cấp, khi chuyển dạ vào viện, bạn vẫn phải tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Lúc này bạn vừa đau chuyển dạ, vừa mệt mỏi mà vẫn phải tự mình đến các phòng chức năng để thăm khám theo đúng thủ tục. Vậy tại sao không bỏ chút thời gian làm hồ sơ sinh từ sớm để giảm bớt sự phiền phức cho chính mình.
- Thứ ba: Việc thực hiện các xét nghiệm thai kỳ trước dự kiến sinh khoảng 1 tháng sẽ giúp mẹ bầu cũng như bác sĩ chuyên khoa nắm bắt được tình trạng sức khỏe của mẹ và bé để có sự chuẩn bị tốt nhất trong ca sinh nở. Ví dụ: thai nhi nhẹ cân hơn bình thường thì mẹ cần tẩm bổ thêm ở những tuần cuối mang thai, mẹ có liên cầu khuẩn nhóm B có thể xin mổ chủ động hoặc cơ sở y tế sẵn sàng thuốc kháng sinh để tiêm truyền trong cuộc sinh… Như vậy, làm hồ sơ sinh có rất nhiều ưu điểm và khuyến khích các mẹ thực hiện.
Làm hồ sơ trước sinh giúp mẹ bầu cũng như cơ sở y tế nơi bạn đăng ký sinh chủ động theo dõi thai kỳ một cách chặt chẽ. (Ảnh minh họa)
2. Hồ sơ sinh gồm những gì?
Khi mang thai 3 tháng cuối, đặc biệt là từ tuần 28, mẹ bầu có thể đến bệnh viện có chuyên khoa sản hoặc bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa để đăng ký sinh và làm thủ tục hồ sơ sinh.
Khi đăng ký, thai phụ sẽ phải tiến hành thực hiện các thủ tục về hồ sơ giấy tờ thông tin cá nhân của sản phụ, khám thai, làm các xét nghiệm theo quy định của bệnh viện.
Những thủ tục như mua sổ khám bệnh, nộp phí khám thai theo hướng dẫn của nhân viên y tế bệnh viện thì quy trình thực hiện hồ sơ sinh của mỗi bệnh viện lại khác nhau, tuy nhiên đa số mẹ bầu sẽ phải làm 1 số xét nghiệm trước sinh bao gồm:
+ Xét nghiệm và phân tích máu tổng thể: xác định nhóm máu, xét nghiệm huyết học đông máu, tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm sinh hóa máu…
+ Xét nghiệm vi sinh miễn dịch gồm: xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B…
+ Xét nghiệm vi sinh vi khuẩn: cụ thể là phết âm đạo và trực tràng để tầm soát nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B
+ Xét nghiệm sinh hóa nước tiểu
+ Nghiệm pháp dung nạp glucose ở phụ nữ có thai: Thử đường huyết/test tiểu đường thai kỳ
+ Làm Non-stress test: Đếm cử động và nghe nhịp tim của thai nhi để đánh giá hiệu quả tình trạng sức khỏe của thai.
Một số chỉ định xét nghiệm của thai phụ khi đi làm hồ sơ sinh tại bệnh viện Bạch Mai Hà Nội (Ảnh: Phương Thanh)
+ Siêu âm thai
+ Nếu thai phụ nằm trong diện có thai kỳ nguy cơ cao thì có thể phải tiến hành thêm 1 số xét nghiệm khác như chọc ối, sàng lọc kháng thể…
Như vậy, làm hồ sơ sinh thực chất là thực hiện các xét nghiệm cần thiết nêu trên. Kết quả các xét nghiệm sẽ được trả lại cho thai phụ lưu giữ hoặc bệnh viện sẽ quản lý hồ sơ gốc để theo dõi quá trình sinh sản của bạn khi bạn chính thức nhập viện sinh con.
Ngoài bộ xét nghiệm cơ bản ở trên, hồ sơ sinh còn bao gồm 1 số giấy tờ mang tính chất hành chính nhưng cũng vô cùng quan trọng như:
+ Chứng minh nhân dân
+ Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển viện (nếu thai phụ sinh ở bệnh viện trái tuyến và xin được giấy chuyển viện)
+ Sổ hộ khẩu
Một số giấy tờ mang tính chất hành chính nhưng mẹ bầu không thể thiếu khi chuẩn bị hồ sơ sinh mang vào viện. (Ảnh: Phương Thanh)
Các giấy tờ này mục đích để làm giấy chứng sinh cho em bé và thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm y tế cho thai phụ. Gia đình cần phô tô 2 bản các giấy tờ này để nộp cho bệnh viện khi được yêu cầu.
Toàn bộ các giấy tờ cần thiết ở trên, mẹ bầu cần sắp xếp theo thứ tự ngăn nắp, để riêng trong một túi nhựa và cất giữ trong làn đồ dùng sẽ mang vào viện khi đi sinh.
3. Tuần thai bao nhiêu mẹ bầu nên đi làm hồ sơ sinh?
Thai bao nhiêu tuần nên đi làm hồ sơ sinh còn tùy thuộc vào chính sách, quy định của mỗi bệnh viện. Có bệnh viện 28 - 32 tuần thai phụ đã có thể đi làm hồ sơ sinh nhưng có bệnh viện quy định 36-38 tuần mới nhận đăng ký sinh.
Nếu đi làm hồ sơ sinh từ 28 tuần, bạn có thể chỉ phải làm 1 số xét nghiệm nhất định và 1 số xét nghiệm sẽ thực hiện khi thai 32-36 tuần, vì nếu làm quá sớm kết quả xét nghiệm sẽ không còn chính xác.
Nếu mẹ bầu đã xác định được bệnh viện thích hợp để sinh con thì nên tìm hiểu các quy định, thủ tục, quy trình làm hồ sơ sinh trong quá trình đi khám thai định kỳ để kịp thời đăng ký sinh.
4. Một số kinh nghiệm đi làm hồ sơ sinh mẹ bầu cần biết
- Bạn nên tham gia một số diễn đàn hoặc hội nhóm của mẹ bầu để được chia sẻ kinh nghiệm từ người đi trước trong việc làm thủ tục hồ sơ sinh tại các bệnh viện mà bạn dự định sinh.
Thai phụ nên đi cùng người nhà khi làm hồ sơ sinh để có người hỗ trợ. (Ảnh minh họa)
- Mỗi bệnh viện sẽ có những quy định khác nhau về việc làm hồ sơ sinh, đặc biệt là có sự thay đổi theo từng thời điểm do vậy bạn phải cập nhật tình hình để tránh mất thời gian, lãng phí tiền bạc không cần thiết.
- Nếu bạn đã xác định đi làm hồ sơ sinh, tốt nhất nên thực hiện các xét nghiệm tại bệnh viện theo yêu cầu hướng dẫn của bác sĩ trong viện. Hầu như các bệnh viện sẽ từ chối kết quả siêu âm, xét nghiệm từ các phòng khám tư bên ngoài cho dù bạn mới thực hiện.
- Đến sớm trước giờ bệnh viện bắt đầu làm việc để lấy số thứ tự. Lắng nghe hướng dẫn của y tá để tiết kiệm thời gian trong khi di chuyển đến các phòng khám, xét nghiệm một cách nhanh nhất.
- Khi đi làm hồ sơ sinh, nên đi cùng người nhà để có người hỗ trợ mẹ bầu khi đi lấy số khám, nộp lệ phí, đặc biệt là khi mệt mỏi có người hỗ trợ cần thiết.
- Không ăn sáng để tiến hành xét nghiệm máu. Nếu bệnh viện có quy định làm xét nghiệm đường huyết, bạn cần nhịn ăn ít nhất từ 8 giờ tối ngày hôm trước và chỉ ăn sau khi tiến hành xét nghiệm đường huyết xong. Do vậy, nên mang theo nước lọc, đồ ăn nhẹ để ăn ngay khi khám xong.
- Chuẩn bị từ 1- 2 triệu đồng để nộp phí xét nghiệm hồ sơ sinh. Nếu mẹ bầu có bảo hiểm y tế đúng tuyến, số tiền này sẽ được miễn giảm khá nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét